Nội dung dịch từ cuốn “Dương Tiện Minh Sa Thổ” – Lưu Ngọc Lâm
Tất cả nội dung dịch dưới đây chỉ nhằm giao lưu kiến thức, không nhằm mục đích công kích, đả đảo bất kỳ bên nào!
Người trong ngành tử sa gọi Hoàng Long Sơn là “bổn sơn” (hay còn một âm Hán Việt nữa là “bản sơn” – DG), vì vậy hồng nê có nguồn gốc từ Hoàng Long Sơn được gọi là hồng nê Bổn Sơn. Ngoài loại giáng ba hồng nê đặc thù sắp giới thiệu sau đây, hồng nê Hoàng Long Sơn chủ yếu là Tiểu Hồng Nê. Hoàng Long Sơn không có các mỏ đất non điển hình, nên Hoàng Long Sơn rất ít có Chu Nê. Chỉ có ở lớp đất non bề mặt và trong phần núi xảy ra sập hầm mới có cực ít chu nê, giờ đã gần như tuyệt tích. Những loại đất “Nga Hoàng Chu Nê”, “Kim Hoàng Chu Nê” mà mọi người thường gọi, thực chất phần nhiều là Tiểu Hồng Nê của Hoàng Long Sơn.
Vì Hoàng Long Sơn có cấu trúc địa chất đứt gãy đặc thù, một số đoạn núi từng bị lật nghiêng, nên nếu xem xét kỹ thì Hồng Nê Hoàng Long Sơn có thể chia thành bốn loại:
– Một số đất non biểu tầng núi phong hóa thành chu nê, giờ đã gần như tuyệt tích.
– Tiểu Hồng Nê ở giữa tầng đất Hoàng Thạch (dịch thẳng nghĩa: đá vàng) bên trên mỏ quặng hoặc bên dưới lớp Hoàng Thạch.
– Ở giữa tầng tử nê hoặc đoàn nê phần giữa mỏ quặng, vì núi bị lật nghiêng, nên có một ít chu nê.
– Dưới đáy tầng tử nê, trên nền đáy, có một lớp Tiểu Hồng Nê mỏng, có thể cũng hình thành do núi lật nghiêng.
Chu nê Hoàng Long Sơn có thể nói là đã tuyệt tích, phần lớn Hồng Nê của Hoàng Long Sơn chúng ta thấy bây giờ là Tiểu Hồng Nê. Tiểu Hồng Nê phân bố ở tầng kẹp giữa lớp cát đá thạch anh (tức là Hoàng Thạch) phía trên mỏ quặng hoặc bên dưới tầng Hoàng Thạch, nó thuộc thể loại mỏ Bạch Nê phong hóa, bên ngoài có màu vàng đất, và có kẹp cả những mảng màu trắng xanh, những mảng trắng xanh đó là Bạch Nê chưa phong hóa hoàn toàn. Vì mức độ phong hóa khác nhau, nên có một số mảng đất màu rất thuần, mang màu “kim hoàng” hoặc màu “nga hoàng” (đoạn này em giữ nguyên âm Hán Việt), nên bị nhầm thành chu nê. Còn lại phần lớn có màu vàng đất (nguyên văn: “thổ hoàng”) kèm theo màu thanh (xanh) hoặc trắng, nên có người nói Hồng Nê Hoàng Long Sơn có hàm lượng sắt thấp, thực tế là do chưa phong hóa hoàn toàn. Hiện nay khu mỏ Bảo Sơn ở phía tây Hoàng Long Sơn như ảnh 5-50) và mặt cắt núi còn lại ở phía nam đường Tử Sa (như ảnh 5-51) đều có thể nhìn thấy Tiểu Hồng Nê.

Thành phần và hàm lượng hóa học chủ yếu của Tiểu Hồng Nê Hoàng Long Sơn là: SiO₂ 56.35%, Al₂O₃ 21.36%,Fe₂O₃ 6.41%,CaO 0.67%,MgO 0.68%,K₂O 1.92%, Na₂O0.14%,LOI 8.76%.

Tiểu Hồng Nê Hoàng Long Sơn là đá phiến sét mịn, chất đất mịn, các hạt khá cân đối, thành phần cấu tạo cơ bản giống với cấu tạo của các Tiểu Hồng Nê thông thường, thành phần SiO2 và Al2O3 khá cao, nên tính cát mạnh hơn Tiểu Hồng Nê các nơi khác (như ảnh 5-52), mang lại cảm giác hạt mạnh mẽ, nhiệt độ nung cũng cao hơn Tiểu Hồng Nê các nơi khác, cao hơn hẳn hồng nê Triệu Trang, gần với nhiệt độ nung của Tử Nê thông thường. Nhiệt độ nung là 1150 độ – 1170 độ. Hàm lượng Fe2O3 khá thấp, màu sắc không đỏ nhuận, ở 1150 độ có màu đỏ vàng, 1170 độ có màu đỏ sậm. Độ co ngót khi hong khô và khi nung khá nhỏ, khoảng 12%, gần với tử nê. Thích hợp cho việc vỗ đập bằng tay, vì thế trong lịch sử xuất hiện nhiều ấm Hồng Nê lớn.

Mỏ Hoàng Long Sơn là mỏ đất mang tính tổng hợp, chủng loại đất nhiều, màu sắc phong phú, điều này những mỏ khác không thể bì được, vì thế loại đất cộng sinh khá nhiều, một số loại Hồng Nê chịu ảnh hưởng bởi Tử Nê, Đoàn Nê bên cạnh, nên có màu sắc khá đặc biệt, “Tử Chu Nê” của Hoàng Long Sơn, thực chất là loại Hồng Nê chịu nhiều ảnh hưởng của Tử Nê.

Ý Trà Quán – Chia sẻ kiến thức về trà và ấm!