Trà Phổ Nhĩ cổ thụ, là cây trà được trồng từ hạt, có tuổi đời trên 100 năm (có ý kiến cho rằng trên 300 năm), khái niệm này chỉ đề cập đến tuổi đời của cây trà, không liên quan đến loại trà, nơi sinh trưởng, đặc điểm của cây trà…Điểm mấu chốt của nó là về thời gian.
Trà cao sản, là loại trà được trồng ở những vườn trà mới, sử dụng kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, trồng mới và dày. Loại tuổi của trà này thường ngắn, vì trồng dày và có sự can thiệp của con người, nên sản lượng cao, là loại trà phát triển với tốc độ nhanh chóng từ sau khi kiến quốc (năm 1949).
Phần lớn loại trà ở Vân Nam, dù là trà cổ thụ hay trà cao sản, đều thuộc giống trà lá to (giống cây cao, có một thân chính to). Điểm khác biệt là trà cao sản do được con người trồng, cắt tỉa và hái dày, nên đã thay đổi điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây trà, nhưng thuộc tính của cây trà không vì vậy mà thay đổi. Khi loại bỏ tất cả sự “hạn chế” và “kích thích”, những cây trà lùn này sẽ lại mọc cao, to và quay về diện mạo vốn dĩ của nó.
Sự khác biệt giữa trà cổ thụ và trà cao sản nằm ở hàm lượng các chất nội tại, do vậy phẩm chất và hương vị cũng khác nhau rõ rệt.
Nói đến hương vị nước trà, trà cổ thụ ngon hơn trà cao sản, chủ yếu biểu hiện ở sự kết hợp nhịp nhàng giữa các hương vị, nước dày dặn và hồi ngọt tốt; tuy nhiên phẩm chất trà cổ thụ ở từng vùng cũng khác nhau.
Nếu xét về thành phần và hàm lượng chất thì trà cổ thụ và trà cao sản đều có đặc điểm riêng, không thể nói một cách đơn giản và võ đoán rằng loại nào tốt hơn. Chỉ số dinh dưỡng trong trà cao sản cao hơn trà cổ thụ, đặc biệt là polyphenol, đường đa, các vitamin…Nhưng dựa theo nguyên tắc lên men của thuốc sinh học, ta phát hiện ra trong trà cổ thụ dự trữ nhiều “nguồn thuốc” hơn. Ví dụ, Phospholipid, Sterol, Terpen, sắc tố hòa tan trong chất béo đều cao hơn so với trà cao sản, các Acid béo có lợi trong trà cổ thụ là Cetostearyl alcohol, Stearidonic acid, hàm lượng axit béo không bão hòa vượt 50%.
Những chất này tạo ra một số lượng lớn các chất chuyển hóa thứ cấp ở trạng thái bán kỵ khí, các chất chuyển hóa thứ cấp này lại chứa phức hợp của “thuốc”, với các đặc điểm giống như “thuốc và thực phẩm có cùng nguồn gốc”.
Trong cuốn “Bước vào vương quốc cây trà” của tác giả Shen Peiping đã trích dẫn những số liệu sau:
Trà cổ thụ ngàn năm Bang Oai: Polyphenol 36.74%, Cafein 3.55%, Amino acid 2.10%.
Trà của cây lớn sinh sản hữu tính: Polyphenol 28.76%, Cafein 4.37%, Amino Acid 3.03%.
Trà cao sản khu 10: Polyphenol 35%, Cafein 4.50%, Amino Acid 3.2%.
Trà cao sản khu 14: Polyphenol 36.10%, Cafein 4.5%, Amino Acid 4.10%.
Hàm lượng Polyphenol và Cafein cao sẽ có lợi cho việc làm ra trà Phổ Nhĩ chất lượng tốt, từ những số liệu trên cho thấy, mỗi loại trà đều có thế mạnh riêng. Chúng ta không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào để minh chứng cho việc trà cổ thụ tốt hơn trà cao sản. Từ hàm lượng các chất trong trà, trà cổ thụ và trà cao sản đều có ưu điểm riêng. Điều duy nhất có thể đưa ra đó là hương vị của nước trà cổ thụ ngon hơn trà cao sản, chủ yếu biểu hiện ở sự kết hợp nhịp nhàng giữa các vị, hậu ngọt tốt. Lý do của việc này là do cây trà cổ thụ phát triển giữa một quần thể nhiều giống cộng sinh.
Tài liệu về trà trên hệ thống Zhiwang.
Biên dịch: Trần Thùy An
Ý Trà Quán – Chia sẻ kiến thức về trà và ấm!