“Đất tử sa quý ủ 30 năm” và những câu chuyện xung quanh ủ đất

1 13

Khi mua ấm, các anh chị chắc đã nghe nhiều về những lời quảng cáo kiểu “đất này là đất ủ 20 năm, 30 năm, quý lắm, giờ không còn nữa đâu”, vậy ủ đất thực chất là gì, nó có tác dụng gì, có thần thánh như những câu chuyện chúng ta thường nghe hay không?

Như ta đã biết, việc luyện đất tử sa về cơ bản sẽ trải qua các giai đoạn: nhặt/phân loại quặng – nghiền – trộn – ra đất luyện xong – ủ đất. Ủ đất là khâu cuối, nói cụ thể ra, ủ đất là đem những khúc đất đã trộn và ép thành hình chữ nhật, bọc túi nilon kín lại, để trong môi trường có đủ độ ẩm, không có nắng thiếu trực tiếp.

Xin nhấn mạnh, ủ đất ở đây là một quá trình phải thường xuyên có sự chăm sóc, để tâm của con người, để đảm bảo đất luôn ở trong trạng thái mềm ẩm. Nếu đất khô cứng thì sẽ không sử dụng được và phải đem đi luyện lại. Nên đừng bao giờ tin những truyền thuyết kiểu: “Bố nghệ nhân XYZ có một cục đất, để giấu trong góc nhà, mấy chục năm trôi qua, vào một ngày đẹp trời, nghệ nhân XYZ bỗng phát hiện ra cục đất ở góc nhà và đem ra làm ấm”. OMG, xin hãy để não bộ chứng minh rằng nó có tác dụng!

Khâu ủ đất có lợi cho quá trình oxy hóa và thủy phân đất, đồng thời thúc đẩy quá trình phần hủy chất hữu cơ và tạo ra axit hữu cơ. Sau khi chất hữu cơ trong đất trở thành dạng keo, khả năng tạo hình sẽ tăng, có lợi cho việc tạo hình ấm và nung. Nếu so sánh giữa đất đã ủ và đất chưa ủ, tính đất sẽ trở nên ôn hòa hơn, màu sắc đậm hơn. Tại mức nhiệt nung như nhau, ấm làm từ đất đã ủ sẽ nhuận hơn.

Tác dụng của việc ủ đất:

  1. Có thể giảm nhiệt độ nung ấm, nhiệt độ nung hạ xuống, làm giảm rủi ro khi nung. Thời xưa hầu hết là lò rồng, nhiệt độ lò không đạt cao như bây giờ, nên thời xưa những loại đất cần nung nhiệt cao bắt buộc phải để ủ, nếu không sẽ nung không chín, không đạt được hiệu quả nung. Thời nay, kỹ thuật nung được cải thiện, có thể vượt 1300 độ, nên một số loại đất nhiệt nung cao không cần ủ quá lâu cũng có thể nung được.
  2. Với những đất đã trải qua quá trình ủ, ấm sau nung nhuận đẹp, nuôi lên dễ lên nước và ra chất ngọc ngà hơn.
  3. Đất đã trải qua quá trình ủ sẽ dẻo và dễ đập, kéo, tạo hình hơn, độ kết dính tốt hơn, và khi nung sẽ không dễ bị nứt.

Việc ủ đất có ý nghĩa nhất là tăng độ dẻo của đất khiến cho đất dễ làm hơn và dễ nung hơn, giảm thiểu tỷ lệ hỏng. Điều này không có nghĩa cứ đất tử sa đem ủ càng lâu là sẽ trở thành đất hảo hạng, nó còn phụ thuộc vào phẩm chất ban đầu của đất. Việc này cũng như ta ủ trà Phổ Nhĩ, ai cũng biết Phổ Nhĩ ủ càng lâu càng ngon, nhưng trà phẩm chất kém ủ 10 năm, 20 năm cũng không thành trà phẩm cao được.

Bài viết được đề xuất

X
0
    0
    Giỏ Hàng
    Giỏ hàng trốngQuay lại cửa hàng
    Liên hệ