Không có ấm tử sa giả
Nguồn tài nguyên đất tử sa chưa khô kiệt, vậy thì Nghi Hưng sẽ có ấm tử sa thật sự. Theo điều tra trên thị trường tử sa hiện nay, ấm tử sa không có thật – giả, chỉ có tốt – kém. Cái gọi là ấm tử sa “tốt”, là loại ấm được làm một cách tỉ mỉ cẩn thận từ đất chế luyện bởi quặng tử sa tốt. Còn ấm tử sa “kém” là loại ấm tử sa được làm từ đất tử sa chất lượng kém hoặc là đất gốm thông thường, ví dụ như loại giáp nê, hồng nê hoặc bạch nê kém hay dùng để làm chậu hoa và ngói lưu ly, người ta sẽ phối trộn với nhau hoặc cho thêm chất tạo màu, luyện thành đất rồi làm ấm tử sa, mục đích là để giảm giá thành. Hiện tại trên thị trường chưa xuất hiện ấm tử sa giả, vì nguyên liệu đất không thiếu thốn. Nếu dùng đất sét hoặc đất ruộng để làm ấm tử sa giả thì mùi đất nặng, vẻ bề ngoài không đẹp, dễ bị nhận ra.
Không có cơ sở cho việc “Có người còn giữ đất tử sa từ đời Thanh do tổ tiên để lại”
Trong bài “Thành phố với nguồn tài nguyên cạn kiệt tại Trung Quốc” được đăng tải trên tờ “Tập san đặc biệt” kỳ số 7 năm 2009, có nhắc đến việc “một vài nghệ nhân làm ấm của gia tộc thậm chí còn lưu trữ đất từ đời Thanh do tổ tiên để lại”. Trước đó cũng đã từng có người nói như vậy, nhưng tôi không mấy quan tâm, giờ báo chí còn đăng, nên tôi nghĩ không phải tự nhiên mà xuất hiện ý kiến này. Tôi cho rằng khả năng này cực kỳ thấp.
Mặc dù từ đời Minh Thanh đã có một số chiếc ấm làm từ đất tử sa “đọ ngang được với giá vàng, ngọc”, nhưng ở thời phong kiến, địa vị xã hội và kinh tế của người làm ấm dân gian rất thấp, mặc dù ấm tử sa từng nổi tiếng, nhưng rất ít nghệ nhân có được địa vị xã hội và kinh tế cao như nghệ nhân hiện nay. Vì vậy nghệ nhân thời xưa không thể có cái nhìn xa rộng đến nỗi tích đất tử sa cho con cháu đời sau dùng.
Những người hiểu về lịch sử phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc đương đại đều biết rằng, năm 1956, Trung Quốc về cơ bản hoàn thành xong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ba ngành nghề: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại tư bản chủ nghĩa, bước lên con đường tập thể hóa. Cũng như những nghệ nhân thủ công ở các nơi khác trên toàn quốc, nghệ nhân tử sa được đưa vào các doanh nghiệp công hữu, trở thành một thành viên trong nền kinh tế tập thể, nhận lượng theo năng suất làm việc. Đến tận những năm đầu sau cải cách mở cửa, tử sa Nghi Hưng vẫn được tiến hành khai thác, sản xuất và kinh doanh bởi tổ chức tập thể. Trong thời đại tập thể, kinh doanh tư nhân không được phép tồn tại. Dù là thời kỳ trước và sau khi kiến quốc, một số nghệ nhân già có lượng nhỏ đất tử sa trong tay, nhưng đến thời kỳ tập thể hóa, họ cũng không có viễn kiến đến độ lưu trữ đất để sau này dùng. Trong thời kỳ tập thể, không được phép tự làm thêm bên ngoài, không ai dám lấy cắp đất tử sa thuộc về tập thể, càng không ai dám lấy đất tử sa của đơn vị tập thể về nhà để trữ riêng.
Nội dung trích dịch từ cuốn “Dương Tiện minh sa thổ” – Lưu Ngọc Lâm
Ý Trà Quán – Chia sẻ kiến thức về trà và ấm!