Trong bài “Thành phố với nguồn tài nguyên cạn kiệt tại Trung Quốc” được đăng tải trên tờ “Tập san đặc biệt” kỳ số 7 năm 2009, cái tên Nghi Hưng trở nên nổi trội. Tháng 5 năm 2010, “sóng gió tử sa” nổ ra. Rốt cuộc Nghi Hưng còn đất tử sa tốt hay không? Nghi Hưng còn ấm tử sa thực sự hay không? Có phải chỉ Nghi Hưng mới có đất tử sa? Ấm tử sa có hại gì cho sức khỏe con người hay không? Những điều này ngay lập tức trở thành điểm nóng dư luận. Sau quá trình nghiên cứu tài liệu và điều tra thực tiễn, tác giả xin nói với mọi người rằng, có thể yên tâm sử dụng ấm tử sa.
Đất tử sa chưa hề khô kiệt
Theo tác giả được biết, đất tử sa Nghi Hưng và cả đất tử sa Hoàng Long Sơn không những chưa khô kiệt, mà vẫn còn một lượng tài nguyên phong phú. Theo tài liệu thống kê, trước những năm 90 thế kỷ trước, nguồn tài nguyên đất gốm phong phú ở Nghi Hưng cơ bản được khai tác bằng sức người, lượng khai thác chỉ chiếm một phần nhỏ so với trữ lượng tìm được. Trước những năm 90 thế kỷ 20, theo kết quả thống kê bước đầu, lượng Giáp Nê chứa nguồn tử sa phong phú có trữ lượng 6738.61 vạn tấn, trong khi lượng khai tác thực tế chỉ có 471.21 vạn tấn, vẫn còn 6267.40 vạn tấn. Tại mỏ Hoàng Long Sơn – nơi sản sinh đất tử sa chính, hiện tại trữ lượng đất tử sa thuần tìm được là 38 vạn tấn, lượng giáp nê tìm được còn khoảng 1165 vạn tấn. Đất tử sa chủ yếu có ở trong các tầng quặng giáp nê, trên thực tế, giáp nê có thể coi là đất tử sa còn nhiều tạp chất, chúng ta có thể lấy được đất tử sa thuần từ giáp nê bằng nhiều biện pháp. Những loại đất gốm khác ngoài tử sa, bằng cách phối đất hợp lý, cũng có thể đạt được hiệu quả tương đồng với tử sa. Những mỏ quặng ở những nơi liền kề Nghi Hưng như Chiết Giang, Trường Hưng…cũng có trữ lượng phong phú, nên tài nguyên đất tử sa chưa hề khô kiệt.
Mối nguy đối với tài nguyên đất tử sa đến từ thời kỳ cuối những năm 90 thế kỷ trước, đặc biệt là 5 năm đầu sau năm 2000, cùng với việc kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, trình độ hiện đại hóa trong khai thác được nâng cao, những đơn vị khai thác quặng tư nhân nổi dậy, ngày đêm khai thác, nên trong vòng một năm đã có thể khai thác trữ lượng bằng nhiều năm trước. Điều này không những gây nên sự lãng phí tài nguyên lớn, mà còn phá hoại môi trường tự nhiên. Để phát triển một cách khoa học và bền vững, chính quyền địa phương đã kịp thời đưa ra các điều lệ và chính sách bảo tồn tài nguyên gốm liên quan, và thực hiện các công trình phủ xanh, từ đó bảo vệ được môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên, đồng thời tạo ra hướng đi của tài nguyên tử sa.
Sau “sóng gió tử sa” tháng 5 năm 2010, theo thống kê sơ bộ, số nhà luyện đất tử sa tại thị trấn Đinh Thục có gần 150 nhà, số lượng đất tử sa (bao gồm cả đất tử sa bên ngoài) trữ được là 7 – 10 vạn tấn, lượng tích trữ thực tế còn lớn hơn con số này nhiều. Bởi lẽ không ít những người không làm ấm, không bán ấm cũng có đất tử sa trong nhà, ít thì vài tấn, vài chục tấn, nhiều thì hàng trăm hàng ngàn tấn đất tử sa. Chính tác giả từng được biết, có người không liên quan đến kinh doanh tử sa, cũng chất gần cả nghìn tấn đất tử sa. Theo tính toán của một phần người luyện đất, với trữ lượng hiện tại, ít nhất có thể dùng cho trên 20 năm. Vì vậy, dựa theo lượng tích trữ trên thị trường hiện có và trữ lượng tử sa được phát hiện ra tại các mỏ trong Nghi Hưng và lân cận, nếu được khai thác và sử dụng hợp lý, đất tử sa có thể đảm bảo không khô kiệt trong vòng 100 năm.
Nội dung trích dịch từ cuốn “Dương Tiện minh sa thổ” – Lưu Ngọc Lâm
Ý Trà Quán – Chia sẻ kiến thức về trà và ấm!