Gốm tím Vân Nam, là bộ phận cấu thành quan trọng trong gốm sứ Trung Quốc, cũng là một trong bốn loại gốm nổi tiếng tại Trung Quốc, đứng ngang hàng với gốm Nghi Hưng – Giang Tô, gốm Thạch Loan – Quảng Đông, gốm Vinh Xương – Tứ Xuyên. Loại gốm này có lịch sử lâu đời, từ cuối đời Tống nơi đây đã bắt đầu sản xuất đồ gốm, đến nay đã có lịch sử hơn 900 năm. Có câu: đời tống có thanh sứ, đời Nguyên có thanh hoa, đời Minh có sứ thô, đời Thanh có gốm tím. Gốm tím được liệt vào hàng ngũ các loại sản phẩm truyền thống chất lượng tốt. Vào thời kỳ nhà Nguyên, sứ thanh hoa Kiến Thủy được tiêu thụ cả trong, ngoài tỉnh và vùng Đông Nam Á, chỉ đứng sau Cảnh Đức Trấn – Giang Tây, được coi là một phần của “quốc sứ” Trung Quốc.
Gốm tím Kiến Thủy được khai thác từ núi Ngũ Thái trong địa bàn Kiến Thủy, có các màu đỏ, vàng, tím, thanh, trắng, cũng gọi là “đất Ngũ Sắc”. Một số loại đất có màu sắc bên ngoài giống với gốm tử sa Nghi Hưng và có hàm lượng sắt khá cao. Điểm khác nhau là, đất gốm Kiến Thủ được hình thành vào kỷ Permi, chủ yếu tồn tại dưới các mỏ quặng đơn, phân bố theo chiều ngang, màu sắc đơn điệu, hàm lượng SiO2 không cao, tỷ lệ đất sét cao, nhiệt độ nung khá thấp, độ cứng của sản phẩm gốm cao, chịu va đập tốt, bề mặt có cảm giác như kim loại, khi gõ có tiếng loong coong như đá. Sau khi mài bóng không nhúng men, nó sẽ trở nên mịn và bóng như kính, mật độ khí khổng nhỏ, tính thấu khí kém.

Cách luyện đất của nơi này là nghiền những loại đất khác nhau ra thành bột, sàng lọc ra độ thô mịn nhất định, rồi phối hợp các loại đất theo tỷ lệ dựa trên yêu cầu của sản phẩm, sau đó cho vào ang, đổ nước và ngoáy rửa, khi các thành phần chứa cát đã lắng xuống, họ dùng muôi múc phần đất lỏng phía bên trên sang một cái ang khác để rửa tiếp. Sau khi lặp lại năm sáu lần rửa như vậy, họ đóng lại và để nó tự khô đặc lại thành đất. Loại đất này mịn như cao, không có một chút cát, khả năng tạo hình khi nó còn ướt là khá thấp, thường họ không sử dụng cách đổ đất lỏng vào khuôn thạch cao, cũng không thường dùng làm các đồ lớn.
Về cách tạo hình, gốm tím Kiến Thủy được tạo hình bằng cách kéo phôi theo bàn xoay, với các công đoạn thêm, gạt, điêu, khắc, vẽ, nung, mài. Phôi gốm thường là phôi màu hồng (vì dùng loại đất chứa hàm lượng sắt cao), hoặc nền hồng hoa trắng, hoặc nền đen hoa trắng, hoặc nền trắng hoa hồng, vàng, xanh lam. Loại đất dùng để thêm màu là loại đất tự nhiên màu trắng, xanh xám, vàng nhạt, cam…Chế tác tỉ mỉ, chú trọng vào trang trí, các lối trang trí chính là khắc thư họa, bồi đất màu. Loại hình nghệ thuật này tập trung cả thư họa, đá quý, điêu khắc, khảm nạm vào một tác phẩm, vừa có thần vừa có hình, rất cuốn hút.

Hiện tại gốm tím Kiến Thủy vẫn nung bằng lò rồng, mỗi nghệ nhân làm gốm có lò nung riêng, kỹ thuật nung không truyền thụ lẫn nhau. Nhiệt độ thiêu kết thường là trên 1000 độ C. Do hàm lượng sắt của phôi khác nhau và sự thay đổi dưới nền nhiệt cao, làm cho sản phẩm gốm nơi đây xuất hiện các màu sắc bất ngờ trong quá trình nung và cũng xuất hiện hiện tượng “diêu biến” hiếm hoi như tử sa Nghi Hưng. Gốm tím Kiến Thủy, thực chất là một loại đồ gốm không có men và được mài bóng, khác biệt khá lớn so với gốm tử sa chủ yếu dùng làm ấm trà của Nghi Hưng.
Nội dung trích dịch từ cuốn “Dương Tiện minh sa thổ” – Lưu Ngọc Lâm
Ý Trà Quán – Chia sẻ kiến thức về trà và ấm!